Bóng chuyền hơi là môn thể thao phổ biến được giới trẻ yêu thích tại Việt Nam. Khi tham gia hay thi đấu một môn thể thao, chúng ta phải nắm rõ luật của môn thể thao đó mới có thể đạt được kết quả tốt nhất. Sau đây, cùng Belo Sports tìm hiểu về luật bóng chuyền hơi mới nhất nhé.
Luật thi đấu bóng chuyền hơi có 5 mục điều luật chính.
A. SÂN BÃI DỤNG CỤ TRONG LUẬT CHƠI BÓNG CHUYỀN HƠI
1. Sân thi đấu bóng chuyền hơi:
– Sân đấu hình chữ nhật, dài 12m, rộng 6m. Khu quanh sân cách ít nhất 5m không có vật cản. Khoảng không trên sân đấu đo từ mặt sân tối thiểu 5m không có vật cản.
– Mặt sân ngang, bằng phẳng, không có bất cứ vật gì gây chấn thương, không gồ ghề, trơn ướt.
– Các vạch giới hạn của sân rộng 5cm, màu sắc khác với màu mặt sân. Độ rộng của biên dọc và biên ngang thuộc phạm vi trong sân đấu.
– Đường giữa sân là đường nối hai điểm giữa của hai biên dọc. Trục giữa của đường giữa sân chia sân đấu thành hai phần bằng nhau dài 6m, rộng 6m.
– Đường hạn chế là đường nối hai biên dọc vẽ song song với trục giữa sân và cách trục giữa của đường giữa sân là 2m. Khu trước của sân tức khu 2m được giới hạn bởi đường giữa sân và đường giới hạn; Khu sau là khu nằm từ đường giới hạn 2m và biên ngang. Đường giới hạn của khu kéo dài vô hạn.
– Vạch phát bóng và khu phát bóng: ở hai đầu của sân, mỗi bên vẽ hai vạch phát bóng, mỗi vạch dài 20cm cách biên dọc 25cm. Vạch thứ nhất vẽ trên đường kéo dài của biên dọc bên phải, còn vạch kia vẽ trên đường kéo dài của biên dọc bên trái. Khu phát bóng được kéo dài vô hạn ra phía sau.
2. Lưới và cột lưới
– Lưới dài 7m, rộng 1m căng thẳng góc trên không, đúng với trục giữa sân. Lưới có màu thẫm, mắt lưới 10 x 10cm. Viền mép trên của lưới là hai lần vải bạt, rộng 5cm, có một dây cáp mềm luồn trong để kéo căng lưới. Mép dưới lưới dùng loại dây mềm luồn để kéo căng cố định với hai cột lưới.
– Cọc giới hạn (ăngten): Là hai cọc dài 1,8m, đường kính 1cm, làm bằng chất dẻo chắc, sơn kẻ sọc từng đoạn 10cm màu đỏ, trắng. Cột giới hạn đặt ở hai đầu lưới thẳng với mép ngoài biên dọc thò cao hơn lưới 80cm. Cột giới hạn là một phần của lưới dùng làm mốc giới hạn hai bên lưới.
– Chiều cao của lưới nam: 2m20; chiều cao của lưới nữ: 2m đo ở giữa sân và hai đầu lưới phải ngang bằng nhau. Hai đầu lưới không được cao hơn giữa lưới 2m. Có thể dùng chiều cao 2m với nam và 1m80 cho nữ (nếu đối tượng thi đấu là nam trên 65 tuổi và nữ trên 60 tuổi).
– Hai cột lưới: Mỗi cột cao 2m25, tròn, nhẵn, có thể điều chỉnh được độ cao khi căng lưới. Cột lưới được đặt ở trên đường giữa sân kéo dài cách biên dọc 0,5m (1,00m).
3. Quả bóng chuyền hơi:
- Bóng hình cầu tròn được chế tạo bằng nhựa mềm
- Màu sắc: màu vàng đồng nhất.
- Khối lượng: 100 – 120gr
- Độ căng của bóng được tính bằng độ nảy của nó khi ta nâng quả bóng lên cao tính từ mặt sân đến đáy quả bóng 1m, sau khi thả rơi tự do, bóng chạm đất nẩy lên tính từ mặt sân lên tới đỉnh quả bóng 40cm là vừa.
>>> Xem thêm Top 4 quả bóng chuyền hơi tốt nhất
B. ĐỘI BÓNG VÀ VẬN ĐỘNG VIÊN
1. Đội thi đấu
– Mỗi đội có nhiều nhất là 10 vận động viên, 1 huấn luyện viên (có thể kiêm vận động viên), 1 lãnh đội. Số người trên sân là 5.
– Chỉ những vận động viên đã có trong danh sách đăng ký dự giải và trong biên bản mới được thi đấu. Đội trưởng trên sân phải đeo băng đội trưởng rõ ràng ở ngực áo, hoặc tay áo.
– Khi đội trưởng trên sân thay ra, huấn luyện viên hoặc đội trưởng chỉ định vận động viên khác đang thi đấu trên sân làm đội trưởng.
2. Trang phục thi đấu
– Trang phục phải thống nhất, cùng màu sắc và sạch sẽ.
– Không đi giầy có đế cứng thi đấu. Phải là giấy thể thao, mềm.
– Số áo của vận động viên thi đấu in từ 1 đến 10. Số áo trước ngực phải cao ít nhất 10cm. Số áo sau lưng phải cao ít nhất 15cm. Nét chữ rộng 2cm.
>>> Xem thêm 3 thương hiệu áo bóng chuyền
3. Huấn luyện viên và vận động viên
– Huấn luyện viên và vận động viên phải hiểu và thực hiện đúng luật thi đấu, tuân thủ quyết định của trọng tài, đúng đạo đức, tác phong, tinh thần cao thượng. Nếu có thắc mắc chỉ đội trưởng trên sân là người duy nhất được quyền yêu cầu trọng tài giải thích; huấn luyện viên không có quyền thắc mắc, khiếu nại.
– Huấn luyện viên và vận động viên phải tôn trọng trọng tài và đối phương, không được có bất cứ hành vi nào ảnh hưởng tới quyết định của trọng tài; không được có hành động hoặc biểu hiện nào kéo dài hoặc cố ý trì hoãn trận đấu.
– Trước trận đấu, huấn luyện viên phải đăng ký tên, số áo vận động viên vào biên bản thi đấu và ký tên. Trước mỗi hiệp đấu phải nộp phiếu báo vị trí vận động viên trên sân cho trọng tài thứ hai.
– Khi kết thúc trận đấu, hai đội trưởng phải ký biên bản xác nhận kết quả thi đấu.
C. TIẾN HÀNH THI ĐẤU THEO LUẬT BÓNG CHUYỀN HƠI
1. Chọn sân, đổi sân, tạm dừng
– Trước khi đấu hiệp thứ nhất và hiệp thứ ba (hiệp quyết thắng) trọng tài cho đội trưởng hai đội rút thăm chọn sâu, chọn quyền phát bóng. Có 5 phút khởi động trước khi bắt đầu đấu hiệp thứ nhất cho một đội; Nếu hai đội khởi động chung sẽ là 10 phút.
– Thời gian nghỉ giữa hiệp 1 và 2 là 3 phút. Thời gian nghỉ giữa hiệp 2 và 3 là 5 phút. Hết hiệp thứ nhất hai đội đổi sân. Trong thời gian nghỉ giữa hai hiệp các vận động viên được ra khỏi sân để nghe huấn luyện viên chỉ đạo.
– Bất kì đội nào được 8 điểm trước ở hiệp quyết thắng thì hai đội đổi sân nhưng không được nghỉ và nghe chỉ đạo. Giữ nguyên vị trí sau khi đổi sân tiếp tục thi đấu, đội đang phát bóng tiếp tục phát.
– Nếu có vận động viên trên sân chấn thương, trọng tài thứ nhất phải thổi còi dừng trận đấu, cho thay người. Nếu không thể thay người đúng luật thì cho phép thay người “đặc biệt” hoặc cho vận động viên bị thương nghỉ 3 phút để hồi phục. Nếu vận động viên này không thể tiếp tục thi đấu thì đội ấy thua hiệp đó nhưng giữ nguyên tỉ số điểm và hiệp.
– Nếu đang đấu mất điện, mưa bão phải ngừng đấu mà trong vòng hai giờ sau đó vẫn đấu tiếp trên sân đang đấu thì giữ nguyên tỉ số điểm của hai đội và đội hình cùng vị trí như trước lúc ngừng thi đấu. Nếu phải đấu lại trên sân khách thì giữ nguyên tỉ sốđiểm của các hiệp đã đấu, bỏ số điểm hiệp đang đấu dở để đấu tiếp hiệp mới với đội hình và vị trí trên sân như đã đăng ký ở hiệp phải tạm ngừng. Nếu quá hai giờ mới tiếp tục đấu được thì cho đấu lại từ đầu.
2. Vị trí trên sân của vận động viên
– Đội hình thi đấu của hai đội là hàng trước ba người, hàng sau hai người. Hàng trước: Vị trí bên phải là số 2, bên trái là số 4, ở giữa là số 3. Hàng sau: bên phải là số 1, bên trái là số 5. Trước khi bắt đầu mỗi hiệp đấu, vận động viên trên sân phải đứng đúng đội hình ghi trong phiếu báo vị trí và giữ nguyên thứ tự này trong suốt hiệp đấu.
– Sau phát bóng, vận động viên có thể đến bất cứ vị trí nào trên sân mà không bị vi phạm luật. Tuy nhiên, vận động viên hàng sau không được lên chắn bóng.
– Bắt đầu hiệp, mới được thay đổi đội hình thi đấu. Được phép đưa các vận động viên đăng ký trong biên bản vào đội hình thi đấu mới.
3. Hội ý
– Mỗi hiệp mỗi đội được xin phép hai lần hội ý. Thời gian mỗi lần hội ý là 1 phút. Chỉ lúc bóng chết, huấn luyện viên và đội trưởng trên sân mới được xin trọng tài cho phép hội ý. Chỉ được hội ý sau khi trọng tài cho phép. Khi trọng tài thứ nhất thổi còi, trận đấu phải tiếp tục ngay.
– Trọng tài không cho phép một đội xin hội ý 3 lần trong một hiệp đấu. Nếu xảy ra thì trọng tài từ chối và cảnh cáo. Nếu cùng một hiệp lại xảy ra trường hợp trên thì phạt đội phạm luật mất quyền phát bóng nếu đang phát và đối phương được điểm. Nếu đối phương đang phát bóng thì đối phương được 1 điểm và tiếp tục quay vòng phát bóng.
– Khi hội ý, vận động viên ra khỏi sân để nghe huấn luyện viên chỉ đạo.
4. Thay người
– Mỗi đội mỗi hiệp được thay nhiều nhất 5 lần người. Theo quy định, mỗi người vào sân thay cho một người ra sân được tính là 1 lần thay người (vào lúc bóng chết). Huấn luyện viên hoặc đội trưởng trên sân được đề nghị trọng tài cho phép thay người đồng thời nói rõ số áo của người thay, khi thư ký ghi vào biên bản xong trận đấu mới tiếp tục.
– Huấn luyện viên không được chỉ đạo khi thay người. Một đội muốn xin thay người mà chưa qua một pha đấu thì không được thay người tiếp.
– Một vận động viên đăng ký trong đội hình thi đấu của hiệp, tức vận động viên chính thức, chỉ được thay ra sân một lần. Nếu vận động viên chính thức đã ra, thay lại vào sân đấu tiếp trong cùng hiệp đó thì chỉ thay đúng vị trí của vận động viên bị thay ra.
– Mỗi hiệp, vận động viên dự bị chỉ được thay vào sân một lần cho bất kỳ vận động viên chính thức nào thi đấu trên sân. Trong cùng một hiệp, vận động viên dự bị này chỉ được hay ra đúng vị trí vận động viên chính thức đã thay.
– Khi trọng tài cho phép thay người, vận động viên thay vào phải sẵn sàng vào sân ở khu 2m. Nếu người thay không sẵn sàng vào sân thì đội đó bị phạt tạm dừng một lần hội ý.
5. Cách tính kết quả thi đấu
✅ Được điểm: Đội đang phát bóng hay đỡ phát bóng thắng 1 pha bóng đều được 1 điểm.
✅ Thắng 1 hiệp: Đội nào được 25 điểm và hơn đối phương 2 điểm thì thắng hiệp đó. Ở hiệp quyết thắng, đội nào được 15 điểm và hơn đối phương 2 điểm thì mới thắng ở hiệp quyết thắng.
✅ Thắng 1 trận: Đội nào thắng 2 hiệp trước thì thắng trận.
✅ Đội nào đến sân không đúng giờ đấu mà không có lý do chính đáng thì coi như bỏ cuộc, đội kia thắng trận với tỉ số 2:0 và tỉ số mỗi hiệp là 25:0.
D. ĐỘNG TÁC VÀ PHẠM LỖI THEO LUẬT THI ĐẤU BÓNG CHUYỀN HƠI
1. Phát bóng
– Khi phát bóng, phải để bóng rời tay, rõ ràng rồi mới dùng bàn tay hoặc một cánh tay đánh bóng trực tiếp qua lưới sang sân đối phương giữa hai cọc giới hạn. Khi bóng qua sân bị chạm lưới không phạm luật.
– Đội rút thăm được quyền phát bóng ở hiệp thứ nhất và hiệp quyết thắng, do vận động viên ở khu số 1 phát bóng. Đội phát bóng đầu tiên ở hiệp thứ 2 là đội không được phát bóng ở hiệp thứ nhất.
Đội phát bóng thắng một pha bóng được 1 điểm. Đội đỡ phát bóng được quyền phát bóng thì vận động viên trên sân phải xoay một vòng theo chiều kim đồng hồ. Vận động viên mới chuyển đến khu số 1 thực hiện lần phát bóng này. Mỗi lần phát bóng người phát chỉ được phát một lần. Lần phát tiếp theo phải do cầu thủ theo thứ tự xoay vòng xuống thực hiện. Xoay vòng phát bóng không đúng thứ tự phát bóng. Đội sai thứ tự phát bóng phải xoay lại vòng cho đúng vị trí và mất quyền phát bóng, đối phương được điểm. Phải xoá toàn bộ số điểm đội đã giành được do sai thứ tự phát bóng mà có được.
– Vận động viên phát bóng phải đứng trong khu phát bóng. Người phát bóng được di chuyển tự do hoặc nhảy phát trong khi phát nhưng lúc tay chạm bóng chân không được dẫm vạch hoặc ở ngoài khu phát. Đánh bóng xong được phép rơi vào trong sân thi đấu.
– Sau hiệu còi của trọng tài thứ nhất, người phát bóng phát bóng đi trong vòng 8 giây. Người phát bóng tung nhưng không đánh bóng và trong khi bóng rơi chạm đất không chạm người phát bóng thì trọng tài thứ nhất cho phát bóng lại, nhưng trong vòng 8 giây của lần phát.
– Đội phát không được dùng bất kỳ hành động nào che chắn không cho đối phương quan sát người phát và đường bay của bóng.
– Bóng phát sang, đội dỡ phát không được đập bóng ngay mà phải thông qua ít nhất 1 lần đội đỡ phát đã chạm bóng.
2. Đánh bóng
– Một đội được phép chạm bóng 3 lần để đưa bóng qua lưới sang sân đối phương. Một người không được chạm bóng liền 2 lần.
– Được phép dùng bất kỳ bộ phận nào của cơ thể để chạm bóng. Bóng có thể chạm các phần khác nhau của cơ thể cùng một lúc nhưng phải cùng một động tác, cùng một lần dùng sức.
– Được phép dùng các động tác khác nhau đánh bóng. Giữ bóng hoặc hoãn xung nhưng bóng đứng lâu trên người mới đánh bóng đi là phạm lỗi dính bóng.
– Hai, ba người của một đội cùng đánh chạm bóng chỉ tính một lần chạm bóng. Người đã chạm bóng không được đánh bóng tiếp ngay.
– Sau khi hai người của hai đội cùng chạm bóng trên lưới, bóng rơi sang sân nào thì đội đó được phép đánh chạm bóng tiếp 3 lần nữa; Nếu bóng rơi ngoài sân bên nào thì đội bên kia đánh bóng ra ngoài sân.
– Hai người cùng giữ bóng lâu trên lưới tính cùng phạm lỗi, cho phép đánh lại pha bóng.
– Nếu một đội chạm bóng 4 lần liền (trừ chắn bóng) phạm lỗi 4 lần chạm bóng.
✅ Hai tư thế đánh bóng được coi là phạm lỗi:
a. Đứng trên mặt sân dùng hai tay đập bóng sang (vồ bóng).
b. Đệm bóng 2 tay không thành một khối, mỗi tay chuyển động 1 ngả.
3. Bóng bay sang sân đối phương
– Bóng qua sân đối phương phải trong không gian bóng qua mặt phẳng thẳng đứng của lưới có giới hạn hai bên là hai cọc ăng tên kể cả đường kéo dài của nó.
– Bóng khi qua sân đối phương được chạm lưới. Vận động viên đánh bóng vào lưới mà bóng chưa rơi chạm đất thì vận động viên khác được phép đánh bóng tiếp.
– Bóng chạm ăngten, vào phần lưới ăngten hoặc chạm dây căng lưới cũng như khán giả hoặc bất kỳ vật gì đều là ngoài sân.
– Khi toàn bộ đã ngoài mặt phẳng thẳng đứng của lưới và dưới lưới là bóng ngoài được phép đánh bóng trở lại nhưng bóng không vượt qua mặt phẳng thẳng đứng của lưới và phần kéo dài của cọc giới hạn.
4. Qua đường giữa sân và chạm lưới
– Vượt đường giữa sân là lúc bất kỳ bộ phần nào của cơ thể sang và chạm sân bên kia khi đang thi đấu là phạm lỗi qua đường giữa sân. Trừ trường hợp 1 bàn tay, 2 bàn tay, 1 bàn chân, 2 bàn chân chưa sang toàn bộ.
– Khi đang thi đấu bất kỳ phần nào cơ thể vận động viên chạm lưới trong sân hoặc chạm lưới ngoài sân mà làm ảnh hưởng thi đấu là phạm lỗi chạm lưới. Tuy nhiên, lúc đập bóng và chắn bóng sau khi thực hiện xong động tác có chạm lưới nhẹ mà không gây ảnh hưởng đến đối phương thì cho qua, không bắt lỗi chạm lưới.
– Bóng đối phương đánh vào lưới chạm vận động viên đội bạn thì không tính lỗi đội bạn chạm lưới.
5. Đánh tấn công
– Đánh bóng trực tiếp sang sân đối phương là đánh bóng tấn công (đập bóng, bỏ nhỏ, chuyền bóng, đệm bóng).
– Bất cứ một vận động viên nào ở hàng sau đều có thể đánh bóng tấn công bất kỳ quả bóng ở độ cao nào nhưng khi bật nhảy đập bóng chân không được dẫm hoặc vượt vạch 2m, nếu không bị phạm lỗi.
– Vận động viên ở khu 2m không được đập quả bóng cao hơn mép trên của lưới mà được chuyền bóng sang sân đối phương có độ vồng lên hoặc ngang bằng lúc qua lưới.
6. Chắn bóng
– Ba vận động viên hàng trước được chắn bóng đơn hoặc chắn tập thể khi đối phương tấn công. Bóng có thể chạm nhanh hoặc chạm liên tiếp một hoặc vài lần người chắn bóng. Người chắn bóng xong, được đánh bóng tiếp.
– Khi chắn bóng, bóng có thể chạm tay hoặc bất cứ bộ phận nào của thân thể.
– Vận động viên chắn bóng được đưa bàn tay hoặc cánh tay qua lưới chắn bóng.
– Không tính chắn bóng là một lần chạm bóng, sau chắn bóng được phép chạm đánh bóng ba lần nữa.
– Hai vận động viên hàng sau không được lên hàng trước chắn bóng. Nếu tham gia chắn và có hành động như chắn bóng là phạm lỗi.
– Không được phép chắn quả phát bóng của đối phương cũng như chắn quả bóng từ đối phương sang khi bóng đang ở khu 2m. Chỉ được chắn những quả đánh tấn công sau vạch 2m.
E. CÔNG TÁC TRỌNG TÀI
1. Thành phần tổ trọng tài
Trọng tài là người thi hành luật trong trận đấu. Trọng tài phải nghiêm chỉnh, cẩn thận, công bằng, chuẩn xác. Trọng tài phải tinh thông luật và vận dụng thành thạo. Trọng tài phải phối hợp chặt chẽ, tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết, thân ái.
Tổ trọng tài điều khiển trận đấu gồm:
– Một trọng tài thứ nhất
– Một trọng tài thứ hai
– Hai trọng tài biên
– Hai thư ký (thi đấu toàn quốc, toàn ngành).
Thi đấu ở cấp cơ sở, tuỳ tình hình cụ thể để giảm số trọng tài một cách hợp lý.
Trọng tài thứ nhất thổi còi ra lệnh trận đấu bắt đầu. Khi trọng tài thứ nhất và trọng tài thứ hai thấy phạm lỗi cũng như tính chất lỗi, phải thổi còi dừng trận đấu. Dùng hiệu tay chỉ rõ tính chất lỗi; người phạm lỗi và đội được phát bóng.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của trọng tài thứ nhất
Trọng tài thứ nhất là người tổ chức và thi hành luật chính của một trận đấu bóng chuyền hơi, có quyền quyết định mọi việc kể cả giải thích những vấn đề luật chưa rõ. Quyết định của trọng tài thứ nhất là quyết định cuối cùng.
Khi làm nhiệm vụ, trọng tài thứ nhất đứng trên ghế trọng tài đặt cách cột lưới 1m với mức mắt nhìn ngang ở độ cao 40cm trên mặt lưới.
Trước trận đấu, trọng tài thứ nhất kiểm tra toàn bộ sân bãi dụng cụ; Cho rút thăm chọn sân hoặc quyền phát bóng. Nắm vững việc khởi động của hai đội.
Trọng tài thứ nhất thực hiện bắt lỗi theo luật, điều khiển trận đấu. Nếu vận động viên thắc mắc thì giải thích rõ khi đội trưởng trên sân yêu cầu.
Trọng tài thứ nhất thực hiện bắt lỗi theo luật, điều khiển trận đấu. Nếu vận động viên thắc mắc thì giải thích rõ khi đội trưởng trên sân yêu cầu.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của trọng tài thứ hai
Trong luật bóng chuyền hơi, trọng tài thứ hai giúp cho trọng tài thứ nhất. Khi thực hiện nhiệm vụ, trọng tài thứ hai phải đứng đối diện với trọng tài thứ nhất, được di chuyển cách cột lưới với đường kính 1m và ngoài hai khu giới hạn kể cả vùng kéo dài.
Trọng tài thứ hai phải nắm vững bóng thi đấu, kiểm tra vị trí theo phiếu báo vị trí của hai đội, nắm vững số lần và thời gian tạm dừng hội ý và thay người, dùng hiệu tay chỉ lỗi ngoài quyền hạn của mình. Khi phát hiện có hành động sai trái phải báo cáo ngay cho trọng tài thứ nhất biết.
Kiểm tra vị trí đỡ, phát bóng của vận động viên. Theo dõi bóng qua lại cọc giới hạn có hợp lệ, bóng có chạm cọc giới hạn hoặc vật ngoài sân không. Theo dõi lỗi chạm lưới và qua vạch giữa sân của vận động viên. Phát hiện có chấn thương thì thổi còi và ra hiệu tay cho dừng trận đấu.
4. Nhiệm vụ và quyền hạn của thư ký
– Khi làm nhiệm vụ, thư ký ngồi ở bàn thư ký đối diện với trọng tài thứ nhất. Trước trận đấu, mời huấn luyện viên hai đội đăng ký danh sách số áo vận động viên vào biên bản rồi ký nhận. Nhận phiếu báo vị trí, ghi đội hình hai đội vào biên bản rồi giao phiếu cho trọng tài thứ hai. Ghi chép các mục quy định của biên bản theo quá trình trận đấu diễn ra. Kết thúc trận đấu mời trọng tài và hai đội trưởng hai đội ký biên bản.
– Thư ký thứ hai ngoài giúp thư ký thứ nhất còn phụ trách phát thanh theo quyết định của trọng tài thứ nhất, tuyên bố tỉ số, tạm dừng hội ý, thay người…
– Khi phát bóng, thư ký thứ hai phải theo dõi số áo người phát bóng và kịp thời đối chiếu với thư ký thứ nhất.
5. Nhiệm vụ giám biên
– Hai giám biên, mỗi người đứng ở vị trí cách hai góc đối của sân đấu 2m. Mỗi người theo dõi một biên dọc và một biên ngang.
– Giám biên theo dõi bóng trong, ngoài sân, bóng chạm tay ra ngoài, lỗi phát bóng, bóng ngoài ăng ten vào sân, bóng chạm ăng ten, bóng chạm vật cản và dùng hiệu cờ chỉ rõ lỗi.
6. Hiệu tay quy định của trọng tài
Trong trận đấu, trọng tài phải dùng hiệu tay quy định (như hình vẽ) để chỉ rõ tính chất vi phạm hoặc ngưng trận đấu. Dùng một tay làm hiệu chỉ rõ đội phạm lỗi hoặc đội có nhu cầu. Xin tạm dừng; thay người. Tiếp đó, chỉ rõ người phạm lỗi hoặc đội có đề nghị. Cuối cùng, chỉ rõ đội được phát bóng.
Giám biên dùng hiệu cờ quy định chỉ rõ tính chất lỗi phạm và giữ hiệu cờ một thời gian ngắn.
Trên đây là toàn bộ những quy định trong luật thi đấu bóng chuyền hơi mới nhất mà người chơi bóng chuyền hơi nên nắm rõ để có thể tạo ra những trận đấu bóng chuyền hơi chuyên nghiệp nhất. Mong rằng bài viết trên sẽ thật hữu ích cho các bạn.